Thứ Tư,
ngày 23/01/2025
Khách đã ghé thăm: 20662
Hiện có  1 khách online.

Tổn thương tủy sống

Bác sĩ Phan Ngọc Minh

Làm gì cho bệnh nhân tổn thương tủy sống? Thật kinh khủng nếu bạn đang khỏe mạnh, có một cuộc sống dễ chịu thì một tai nạn bất ngờ ập đến, khiến bạn không thể cử động và làm việc như trước, mọi sinh hoạt thậm chí là đơn giản nhất cũng phải có người giúp đỡ. Tổn thương tủy sống đặt con người vào tình trạng như thế. Ở những nước đang phát triển, bệnh nhân tổn thương tủy sống thường chỉ được chú ý điều trị trong giai đoạn cấp mà chưa hề được quan tâm toàn diện.

Tổn thương tủy sống là những tổn thương gây liệt hai chân hoặc liệt cả hai chân và hai tay kèm theo những rối loạn khác về cảm giác, dinh dưỡng, bàng quang, ruột, sinh dục. Các bệnh lý như gù, vẹo, gai đôi cột sống hay viêm tủy cắt ngang, viêm màng nhện tủy, xơ tủy rải rác, u tủy cũng gây ra tổn thương tủy sống. Nhưng chấn thương do tai nạn (đặc biệt tai nạn giao thông) là nguyên nhân hàng đầu trong các nguyên nhân chấn thương gây tổn thương tủy sống, sau đó là tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn thể thao, bạo lực, chiến tranh.

Trong các nguyên nhân do chấn thương, không phải tất cả các chấn thương cột sống đều gây nên tổn thương tủy sống, trong nhiều trường hợp cấp cứu ban đầu do cố định cột sống bị tổn thương và vận chuyển bệnh nhân không đúng nên rất có thể làm cho tủy sống bị tổn thương.

Biến chứng và thương tật thứ phát thường gặp

Ngay sau tai nạn, xảy ra giai đoạn cấp (choáng tủy) kéo dài vài giờ cho đến vài tuần. Biểu hiện chính trong giai đoạn này là mất toàn bộ chức năng tủy ở dưới mức tổn thương, đó là liệt mềm, mất tất cả phản xạ, đại tiểu tiện không tự chủ. Sau khi được điều trị xuất hiện các phản xạ tự động tủy ở dưới mức tổn thương, đặc biệt là co cứng. Một số trường hợp nặng, tổn thương tủy hoàn toàn, tiên lượng thường nặng cả trong điều trị và phục hồi chức năng. Các biến chứng thường gặp sau khi tủy bị tổn thương là:

Rối loạn vận động: Giảm hoặc mất vận động chủ động hai chân (tổn thương đoạn lưng, thắt lưng) hoặc cả hai chân và hai tay (tổn thương đoạn cổ). Rối loạn trương lực cơ, co cứng, co rút, teo cơ, cứng khớp, cốt hóa lạc chỗ, loãng xương, rỗng tủy sau chấn thương làm nặng thêm tình trạng vận động của bệnh nhân.

Rối loạn cảm giác: Giảm hoặc mất cảm giác dưới vùng tủy sống bị tổn thương, đau do bệnh lý thần kinh. Rối loạn cảm giác làm cho các biến chứng và thương tật thứ phát như loét do đè ép dễ xảy ra và trở nên ngày càng trầm trọng nếu không có sự chăm sóc đặc biệt.

Các rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn phản xạ tự động, hạ huyết áp tư thế, tăng tiết mồ hôi, rối loạn điều nhiệt, rối loạn đại tiểu tiện, biến chứng hô hấp, biến chứng tiết niệu, viêm tắc tĩnh mạch do huyết khối sẽ làm cho tình trạng bệnh nhân nặng thêm nếu không được chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.

Cần phục hồi chức năng một cách toàn diện

Mục tiêu chính của phục hồi chức năng là làm cho người bị tổn thương tủy sống có thể độc lập tối đa trong các hoạt động sống hằng ngày, tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng.

Về tâm lý: Hầu hết người bệnh tổn thương tủy sống đều mặc cảm với tình trạng sức khỏe của mình, nhiều người thay đổi hẳn tính nết từ một người vui vẻ sang trầm lặng, khép kín và bi quan, tự ti. Chính vì vậy, người thân và bạn bè phải quan tâm động viên họ, tạo điều kiện cho họ tham gia kết bạn với người cùng hoàn cảnh mà đã vươn lên, cũng cần có sự tham gia của nhân viên tư vấn đồng đẳng, nhóm những người khuyết tật và cán bộ xã hội.

Về tình trạng cơ thể: Phòng chống loét da do đè ép là một việc rất quan trọng, cần sử dụng đệm chống loét (đệm hơi hoặc đệm nước), thay đổi tư thế bệnh nhân 2 giờ một lần bằng các kỹ thuật vị thế để loại bỏ đè ép, giữ cho da vùng dễ bị loét luôn khô ráo và sạch sẽ, phát hiện sớm các vùng da có nguy cơ loét để kịp thời xử lý, chăm sóc và điều trị loét. Hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà một số kỹ thuật cần thiết để họ có thể tự làm.

Chăm sóc chức năng tiết niệu bao gồm cho bệnh nhân uống đủ nước (khoảng 1,5 - 2 lít mỗi ngày), đặt thông tiểu lưu trong giai đoạn choáng tủy, sau đó là thông tiểu ngắt quãng 4 giờ một lần, hướng dẫn người bệnh tự thông tiểu sau khi ra viện, tập phục hồi chức năng bàng quang, phát hiện và điều trị sớm nhiễm khuẩn tiết niệu.

Phục hồi chức năng tiêu hóa: ăn đủ chất dinh dưỡng với lượng chất xơ phù hợp, uống đủ nước, tập đại tiện theo giờ cố định, tập thể dục thường xuyên, hướng dẫn bệnh nhân tự kiểm soát đại tiện.

Người bệnh phải kiên trì vận động sớm có thể ngăn ngừa được nhiều biến chứng và thương tật thứ cấp đối với người bị tổn thương tủy sống như loét da do đè ép, nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn tiết niệu, huyết khối tĩnh mạch sâu, teo cơ, cứng khớp, co rút biến dạng... Chương trình tập bao gồm cả tập thở, tập ho, tập vận động đúng tư thế, tập theo tầm vận động, tập di chuyển tại giường, tập di chuyển từ giường ra xe lăn và ngược lại, tập làm mạnh cơ, tập thăng bằng ngồi tĩnh và động, tập đi, tập với các dụng cụ trợ giúp.

Trở lại công việc: Là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với những bệnh nhân này, làm việc và có thu nhập mang lại ý nghĩa rất lớn về tâm lý và giúp họ kiên trì các biện pháp luyện tập phục hồi các chức năng. Chỉ một số rất ít có thể trở lại công việc cũ, còn hầu hết phải tìm một công việc mới phù hợp. Bệnh nhân cần được liên hệ với các tổ chức xã hội để được hướng dẫn và tạo điều kiện. Kể cả những gia đình có điều kiện kinh tế vẫn nên cho người bệnh cơ hội tìm việc làm phù hợp.

BS. Phan Ngọc Minh