Thứ Tư,
ngày 23/01/2025
Khách đã ghé thăm: 20665
Hiện có  1 khách online.

Đột quỵ có thể ngăn ngừa được?

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung


Một thông cáo không còn mới nữa nhưng vẫn rất nóng đó là: Cứ 4 phút trên thế giới sẽ có 1 người bị đột quị não và cứ 4 người trưởng thành sẽ có 1 người đột quị não.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết mỗi năm ghi nhận thêm 200.000 ca đột quị, khoảng 50% trường hợp tử vong, nhiều người sống sót sau tai biến phải sống chung với các di chứng về thần kinh, vận động ... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm gia tăng gánh nặng y tế, kinh tế cho gia đình và xã hội.

Bạn có biết rằng đột quị não gây ra cái chết nhiều hơn ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới và ung thư vú ở nữ giới?
Những năm trước đột quị não xảy ra quanh những người 70 tuổi và bây giờ đột quị não xảy ra sớm hơn, quanh độ tuổi 45 - 50.

VÀ QUAN TRỌNG HƠN HẾT LÀ 80% các trường hợp đột quị CÓ THỂ PHÒNG NGỪA ĐƯỢC?

Yếu tố nguy cơ không thể và có thể THAY ĐỔI ĐƯỢC

Vậy tại sao chúng ta không hành động khi còn có thể?

Như từng viết rất nhiều bài viết trước, Trung hay chia các yếu tố nguy cơ thành hai nhóm: NHÓM KHÔNG THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC VÀ NHÓM CÓ THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC, nếu có thể thay đổi được mà chúng ta không chịu thay đổi thì đó là lỗi do chính chúng ta.
Ngoài những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được trong ảnh bên dưới như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì, LƯỜI VẬN ĐỘNG, chế độ ăn không lành mạnh, Trung nghĩ còn một yếu tố nguy cơ rất quan trọng nữa đó là TÌNH TRẠNG CĂNG THẲNG KÉO DÀI.

Thật sự nếu đang sống ở những thành phố lớn tại Việt Nam, chúng ta đang chịu rất nhiều áp lực. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh stress là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các rối loạn cơ thể, bệnh tật và tử vong.

Bạn có biết hơn 30% người trưởng thành bị rối loạn giấc ngủ?
Và thật sự chúng ta đã kiểm soát tốt stress chưa?

Hôm qua Trung dự một hội thảo về Ô Nhiễm, ô nhiễm không khí hiện đang là thách thức lớn cho các thành phố lớn bởi đó là nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi sau THUỐC LÁ, thì có một vị giáo sư nói rằng Ô nhiễm tiếng ồn cũng rất nghiêm trọng. Thầy thường xuyên bị tra tấn bởi hàng xóm kém ý thức hát karaoke suốt ngày. Thầy cho rằng đôi khi âm thanh không đúng lúc cũng có thể kích động giết người như báo chí đưa tin.

Trung công nhận điều đó. Chúng ta đang sống với quá nhiều căng thẳng, từ việc di chuyển trên đường kẹt xe, cho đến đưa đón con đi học, từ việc mưu sinh cho đến khám bệnh tại các bệnh viện lớn quá tải ....
Stress liên tục dẫn đến đột quị và ung thư là điều không thể tránh khỏi.

NHỮNG ĐIỀU CẦN HÀNH ĐỘNG ĐỂ NGĂN NGỪA ĐỘT QUỊ phải chăng nên bắt đầu:
Giảm bớt áp lực cho mình. Khi lòng chúng ta an thì mọi thứ sẽ dễ trở về bình thường hơn như huyết áp, nhịp tim ....
Bỏ hẳn thuốc lá. Tránh lạm dụng rượu bia.
Tập thể dục. Đừng nghĩ rằng tập càng nhiều càng tốt. Hãy nhớ chú ý năng lượng nhập vào và thải ra. Các chuyên gia khuyên nên tập khoảng 150 phút / tuần, nếu cơ thể chúng ta tốt có thể nhiều hơn nhưng cần biết nếu tập quá dễ dẫn đến tổn thương khớp, xương và cơ.
Ăn nhiều rau xanh, hạn chế mặn quá, ngọt quá. Tránh ăn một món quá thường xuyên.
Ngủ đủ giấc.
Kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, mỡ máu ....

Huyết áp mục tiêu khoảng 130/80 cho người trưởng thành, đừng nghĩ rằng càng thấp càng tốt, bởi khi huyết áp thấp quá cũng dễ dẫn đến đột quị do thiếu máu đến não khi thay đổi tư thế, khi gặp stress và mệt mỏi, chóng mặt ....
Cao quá hay thấp quá đều không tốt, vừa đủ, cân bằng và điều độ.
Bác sĩ và bệnh nhân thay vì chạy theo các chỉ số huyết áp, đường huyết thật đẹp thì nên chú ý đến chất lượng cuộc sống đẹp.
Giữ cho mình một tinh thần lạc quan, vui vẻ.

Nếu chúng ta không biết thương mình, bảo vệ cho mình thì làm sao chúng ta biết thương và bảo vệ người thương của chúng ta được?

Theo Facebook Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung