Thứ Tư,
ngày 23/01/2025
Khách đã ghé thăm: 20677
Hiện có  1 khách online.

VIÊM TÚI TINH

BS.CKII. TUÊ THÀNH

Viêm túi tinh là bệnh riêng của nam giới, thường liên quan đến các bệnh viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo. Bệnh cảnh lâm sàng biểu hiện xuất tinh ra máu hay ra mủ. Việc điều trị kháng sinh thích hợp giúp cho khả năng lành bệnh nhanh và không để lại biến chứng.

Vai trò của túi tinh

Túi tinh là một cơ quan có cấu trúc hình túi, gồm hai túi, nằm sau và ở dưới đáy bàng quang. Túi tinh được tạo bởi các lớp cơ màng có chức năng bài tiết ra một chất lỏng làm trung hòa acid gọi là tinh dịch, thành phần giàu fructose, prostaglandin, protein, giúp cho tinh trùng di chuyển được tốt. Chất tiết ra này chiếm khoảng 60 - 70% khối lượng tinh dịch. Số tinh dịch nhiều hay ít tùy thuộc vào từng người, cũng như số lần xuất tinh trong một ngày.

 Ảnh minh họa
Nguyên nhân viêm túi tinh

Có rất nhiều nguyên nhân, do nhiễm trùng tiểu lâu ngày kèm theo viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo, viêm bàng quang với các hình thái bệnh sau quan hệ tình dục; cũng có những trường hợp một viêm nhiễm khác trên cơ thể gây viêm túi tinh như viêm tai giữa, viêm họng, viêm phế quản; bệnh lý lao đường sinh dục.

Viêm túi tinh có thể có sau những thủ thuật của thầy thuốc như đặt sonde tiểu, nội soi tiền liệt tuyến tạo ra lỗ rò từ đó vào túi tinh gây nhiễm trùng.

Dị tật bẩm sinh, gặp trong trường hợp niệu quản lạc chỗ, chỗ lỗ đổ của niệu quản vào bàng quang thì lỗ đổ vào túi tinh gây viêm.

Các triệu chứng

Người bệnh than phiền đau ở vùng tầng sinh môn mỗi lần đi tiểu, cơn đau này lan truyền tới hậu môn và vùng bìu. Khi giao hợp thì đau, đau nhiều khi xuất tinh, cơn đau có thể lan dọc theo ống dẫn tinh, lan sang phía sau vùng chậu, lúc xuất tinh không thành dòng mà rỉ từ từ, khoái cảm khi giao hợp thoáng qua rất nhanh, đôi khi có dấu hiệu rối loạn cương dương. Xuất tinh ra máu hoặc xuất tinh ra mủ.

Ngoài ra còn có các dấu hiệu: đau ở mào tinh hoàn nhưng không có viêm mào tinh hoàn, đau vùng tầng sinh môn nhưng không có viêm tiền liệt tuyến.

Lượng tinh dịch xuất ra tăng trong những trường hợp viêm cấp tính, ngược lại lượng tinh dịch giảm hẳn trong những trường hợp viêm mãn tính.

Siêu âm: khi đặt đầu dò siêu âm qua trực tràng, hay kết hợp siêu âm vùng bụng khi bàng quang đầy nước tiểu, thấy túi tinh giãn nở, thành dày. Xét nghiệm: tinh dịch có sự hiện diện của nhiều bạch cầu, khi cấy tinh dịch phát hiện vi trùng gây bệnh.

Cách điều trị

Điều trị nội khoa, dùng kháng sinh thích hợp tác dụng tốt với loại vi trùng gây bệnh, kết hợp hai loại kháng sinh trở lên và dùng kháng sinh đường tiêm như Augmentin kết hợp Gentamycin, hoặc Cefotaxim kết hợp Tobramycin, với liều tấn công 7 ngày, sau đó chuyển qua đường uống trung bình 10 – 14 ngày.

Kết hợp thuốc kháng viêm corticoid nếu không có chống chỉ định, dùng đường uống trung bình 7 - 10 ngày, thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Acetaminophen và thuốc giảm đau cơ trơn Spasmaverine, Spasfon.

Điều trị đặc hiệu thuốc trị lao, nếu như nguyên nhân do vi trùng lao gây viêm túi tinh.

Vấn đề điều trị ngoại khoa đặt ra khi viêm túi tinh có biến chứng áp xe túi tinh hay điều trị kháng sinh không kết quả mặc dù đã có kháng sinh đồ, với phương pháp đặt dẫn lưu túi tinh khi có áp xe hay cắt bỏ túi tinh.

Viêm túi tinh là bệnh lý liên quan sau đợt nhiễm trùng đường tiểu, viêm tiền liệt tuyến. Điều trị dứt điểm các bệnh lý trên nhằm tránh những biến chứng lây lan. Sử dụng thuốc kháng sinh cần lựa chọn thích hợp cho nguyên nhân gây ra bệnh, tốt nhất nên sử dụng kháng sinh đồ.