Thứ Tư,
ngày 23/01/2025
Khách đã ghé thăm: 20754
Hiện có  1 khách online.

Sáu nguyên tắc ăn uống cho người già

Lương y Trần Khiết - Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM

Xưa nay, chưa có một tiêu chuẩn thống nhất để xem đâu là giới hạn bước sang tuổi già. ở nước ta, xưa nay quen lấy mốc tuổi 60 là tuổi già; còn tuổi thọ thì từ 70 trở lên.

Người đến tuổi già có nhiều biến đổi bên ngoài thấy rõ như: tóc rụng, tóc bạc, răng lay, da nhăn, thị lực kém, lực kháng yếu dần,...

Già theo tuổi là cả một quá trình biến đổi rất phức tạp về sinh học trong cơ thể. Mọi sinh vật không thể tồn tại mãi vì đều phải trải qua quá trình sinh trưởng, phát dục, phát triển hoàn chỉnh, rồi cũng phải già cỗi và chết. Nhưng tuổi thọ của con người, qua sự phấn đấu biết cách ứng dụng những biện pháp dưỡng sinh chính xác hữu hiệu, thì có thể kéo chậm lại thời gian lão hóa và kéo dài tuổi thọ. Như người xưa biết sống theo lẽ Đạo (1), giữ theo qui luật Âm Dương và hòa với Thuật số (2). Ắn uống phải tiết độ, làm lụng nghỉ ngơi phải có kỷ luật, vận động tùy sức, không để thể xác bị quá lao nhọc. Sự hoạt động về thể xác phải nhịp nhàng với sự hoạt động về mặt tinh thần. Thể xác vinh nhuận, tinh thần thư thái là yếu tố quyết định chống tật bệnh và kéo dài tuổi thọ.

Đặc điểm sinh lý: Người tuổi càng cao thì sinh lý có nhiều sự biến đổi, tạng phủ ngày càng bị suy nhược, âm dương mất cân bằng, nhưng chủ yếu nói lên quá trình sinh trưởng, phát dục và lão hóa đều có sự quan hệ mật thiết với thận khí. Thể xác con người trở thành già sớm (già trước tuổi) hoặc chậm già (trẻ mãi) được quyết định bởi sự mạnh yếu của thận khí. Bởi thế khi thận khí bị suy giảm sẽ làm cho các chức năng hệ thống bài tiết và miễn dịch bị rối loạn, nên dễ mắc phải bệnh tật (tiên thiên suy thoái).

Còn tỳ vị là gốc của hậu thiên, là nguồn sinh ra khí huyết, qua chức năng hấp thu dinh dưỡng của tỳ vị. Tuổi càng cao thì ăn ngủ kém dần, đi đứng chậm chạp, rối loạn tiêu hóa: khi táo bón, khi tiêu chảy, bụng đầy chướng, trí nhớ giảm,... Y học hiện đại cho rằng sự mất bình thường của dạ dày và ruột sẽ dẫn đến sự biến đổi Albumin - vì Albumin cũng chỉ là chất do cơ thể con người tạo ra, nhưng nguồn gốc của nó đều dựa vào dạ dày và đường ruột. Dạ dày là nơi tạo khả năng thu nạp, còn tỳ là nơi tạo khả năng vận hóa.

Ngoài ra, tỳ thận mạnh hay yếu còn ảnh hưởng đến những chất mà cơ thể rất cần để nuôi sống. Thiếu một vài chất cần thiết thì cơ thể cũng bị lão hóa sớm, ảnh hưởng đến tuổi thọ. Do đó, chế độ ăn uống cho người cao tuổi cần phải được chú ý. Căn cứ vào những đặc điểm sinh lý của người cao tuổi, các bậc y gia ngày xưa dựa vào thuyết "Hữu dư bất túc", phải tiết bớt chỗ thừa, bù chỗ thiếu, chế bớt cái mạnh, bổ sung cái yếu,... Ắn uống phải điều độ và thức ăn phải thích nghi cho người cao tuổi, chẳng hạn: Nên ăn nhiều loại đậu, rau quả, cá, thịt nạc, dầu thực vật. Thức ăn phải nấu nhuyễn. Nên thay đổi thức ăn đạm bạc, ăn đúng bữa không để đói quá bữa ăn và cũng không nên ăn quá no hoặc ăn khi còn no.

Đông y, trong phép dưỡng sinh, còn đề cập vấn đề ăn uống phải biết điều hòa theo qui luật âm dương như: Người ở thể trạng Âm hư (3) thì nên ăn thức ăn có chất bổ âm như mộc nhĩ, lê, dâu, mía, mè đen (vừng), đậu phụng, rau chân vịt, hải sâm, ba ba, mật ong, phổi lợn,... Người ở thể trạng Dương hư (4) nên ăn các thức ăn có chất bổ dương như: gà, cá diếc, lươn, rùa, hạt sen, táo, gạo nếp, thịt bò, dạ dày bò, dạ dày dê,...

"Trung Quốc thực liệu học" có nêu ra 6 nguyên tắc ăn uống cho người già:

  1. Thức ăn có chất béo, ngọt, nồng (trong các món ăn cao lương mỹ vị), tuy có chất dinh dưỡng cao, nhưng vì hàm lượng mỡ, đường rất lớn dễ gây béo phì, thể trọng và mỡ trong máu tăng, gây ảnh hưởng không tốt đến hệ hô hấp và tuần hoàn: tim phổi dễ bị suy kiệt. Béo cũng dễ phát sinh bệnh đái đường, sỏi mật, viêm tuyến tụy,... Người già béo phì bị bệnh thừa mỡ trong máu dễ tạo bệnh xơ vữa động mạch, gây nhồi máu cơ tim, xơ cứng động mạch não và tăng huyết áp, chức năng thận bị suy giảm,... Thật ra, ai cũng biết những thức ăn thơm ngon, giòn, rượu nồng thịt béo hợp khẩu vị thì ngon miệng, nhưng dễ gây bệnh tật.

    "Thọ thế Bảo nguyên" chuyên bàn về dinh dưỡng nói: "Người dưỡng sinh giỏi biết cách dưỡng trong (5), người không giỏi chỉ biết cách Dưỡng ngoài (6)".

  2. Thức ăn, nước uống phải được thay đổi đa dạng, không nên nghiện ăn uống chỉ một món, vì các thực phẩm đều có chất như đường béo, sinh tố, muối vô cơ,... Ắn thay đổi để đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng.

    "Nội kinh": Ắn chua quá thì tỳ khí bị diệt, ăn mặn quá thì tâm khí bị ức nén, ăn ngọt quá thì phế khí bị suyễn gấp, ăn đắng quá thì tỳ khí bị khô táo, ăn cay quá thì hại về thần chí... Vì vậy chế độ ăn uống phải biết hài hòa ngũ vị để cân bằng chế độ dinh dưỡng cho người già.

  3. Ắn uống điều độ: "Ẫm thực hữu tiết" - đường ruột và dạ dày của người già càng ngày càng yếu, chức năng hấp thu vận hóa ngày càng kém, nên ăn uống phải có chừng mực như: ăn nhai kỹ, nuốt chậm, nên ăn thức ăn nấu nhuyễn, khi đói mới ăn, không nên ăn quá no dù thức ăn ngon miệng,...

  4. Kiêng ăn mặn nhiều, vì ăn mặn lượng muối vào cơ thể nhiều, dễ bị huyết áp tăng, ảnh hưởng đến chức năng tâm thận.

    "Nội kinh": Ắn mặn nhiều hại xương cốt, cơ bắp, tâm khí bị tiêu hao. Vì vậy người từ tuổi trung niên cũng nên bắt đầu giảm bớt các thức ăn xào, rán, nướng, mỡ béo, rượu nồng, mắm mặn... Đó là liệu pháp phòng bệnh tốt.

  5. Không nên ăn thức ăn nóng quá, hoặc quá nguội lạnh, thức ăn hôi thối bị nhiễm khuẩn,... Thức ăn cho người già phải cắt nhỏ, hầm rục, thịt cá bầm viên, canh rau, hoa quả phải xay nhuyễn.

  6. Nên bỏ hẳn rượu, thuốc lá, giảm café. Đối với người già đã có thói quen hút thuốc cho ấm bụng và khi hút trong đàm đạo với bạn bè, thì khó bỏ hẳn nhưng cũng phải hạn chế và bỏ dần, chú ý là có những bệnh về phổi, ho, nặng ngực, khó thở,... Các cụ già nên dùng rượu ngâm thuốc vừa tiêu vừa bổ, trước hay sau bữa ăn với liều lượng ít để kích thích tiêu hóa, huyết mạch lưu thông, giãn gân xương. Nếu uống nhiều và uống rượu đế cao độ sẽ làm cho mỡ trong máu cao, huyết áp tăng, thần kinh bị bức bách, kích dục mạnh, mất trí khôn,..., gây hậu quả xấu cho bản thân và xã hội.

Ghi chú:

  1. Đạo: Là đạo sinh, là biết cách bảo trì sự sống khỏe, sống vui...

  2. Thuật số: Là phép tu thân dưỡng tính, điều hòa với thời tiết, vận khí của trời đất...

  3. Âm hư: Tân dịch khô, người gầy đen, miệng khô, họng ráo, khát, mồ hôi trộm, tiểu đêm, di tinh, sốt đêm, người nóng, da khô sạm, tóc rụng, tiêu khát...

  4. Dương hư: Hay bị tiêu chảy, bụng đầy, lưng gối lạnh nhức, chi dưới yếu, đi run, người uể oải, không thích động, cảm giác lạnh, phù...

  5. Cách dưỡng bên trong: là ý nói biết cách giữ yên cho các tạng phủ, tinh thần thư thái, huyết mạch lưu thông mới tránh khỏi bệnh tật.

  6. Dưỡng ngoài: là chỉ biết chạy theo sở thích, ham mặn, thích béo, ưa nồng, gây tạng phủ rối loạn, bệnh tật dễ phát sinh...