Thứ Tư,
ngày 23/01/2025
Khách đã ghé thăm: 20685
Hiện có  1 khách online.

Vì sao dùng thuốc Đông y lại ngộ độc chì?

Theo Sức Khỏe & Đời Sống


Gần đây có một số trường hợp tự mua thuốc Đông y về để chữa bệnh tay - chân - miệng (bôi hoặc uống) bằng một loại thuốc màu vàng đỏ hoặc hoàn viên… Kết quả đã bị ngộ độc và phải vào viện cấp cứu, có trường hợp đã tử vong.


Y học cổ truyền (Đông y) dược liệu có 3 nguồn: thảo dược (cây cỏ), động vật và khoáng vật. Trong các dược liệu được dùng trong y học cổ truyền có loại dược liệu có nguồn gốc khoáng vật có chứa chì là: duyên đơn, duyên phấn và mật đà tăng.

Duyên đơn: Còn gọi là hoàng đơn, hồng đơn - (Minium). Duyên đơn có dạng đất, màu đỏ sẫm tươi, làm thành những vỏ dạng vẩy.

Dược liệu nàyvị cay mặn, tính hàn, có độc; có tác dụng giải độc, sinh cơ, nhuyễn đàm trấn kinh.

Công dụng: Tuệ Tĩnh đã viết trong Namdược thần hiệu: Hoàng đơn - đơn, vị hơi cay, tính hơi hàn, không độc, hoà vị, trấn kinh, trừ bệnh sốt rét lâu năm, sát khuẩn, chỉ huyết, chữa bệnh trĩ loét.

Sách Dược liệu Việt Nam ghi: Dùng ngoài làm thuốc cao dán nhọt. Thường nấu với dầu vừng và phối hợp với các vị thuốc khác để làm giảm đau, chóng lên da non, chữa chốc lở sưng tấy, chữa bỏng lửa, bỏng nước và các vết thương chảy máu.

Dùng trong chữa kinh giản điên cuồng, cầm máu. Ngày dùng 1 - 2g, uống dạng hoàn tán hoặc thuốc sắc (ít dùng uống vì độc).

Duyên đơn - dược liệu có nguồn gốc khoáng vật.

Duyên phấn:

Duyên phấn còn gọi là bạch phấn (Ceru - situm).

Là khoáng vật quặng của chì, là một carbonat chì, thường chứa Ag, Sr, Zn, Cs.

Duyên phấn có vị ngọt cay, tính hàn, có độc; có tác dụng tiêu tích, sát khuẩn, giải độc, sinh cơ. Duyên phấn được dùng trị cam tích, hạ ly, đau bụng giun, chứng hà, sốt rét, ghẻ nấm, mụn nhọt độc, vết loét, lở miệng, đan độc và bỏng lửa. Thường dùng ngoài tán bột mịn và dùng bôi hoặc nấu cao dán. Uống trong, tán bột 3 - 5 phân (1 - 2g) có thể làm hoàn, tán.

Mật đà tăng: Còn gọi là li tạc (Litharggrum). Là một khoáng vật thứ sinh được tạo nên từ sự biến chất của galen. Trong thiên nhiên, mật đà tăng là một oxyt chì (đỏ hay toàn phương). Trong thực tế, nó nguyên là dư phẩm của việc chế biến bạc, thường thấy ở đáy lò nấu bạc.

Mật đà tăng là một thứ bột màu vàng cam đỏ, to nhỏ không đều, có những tinh thể óng ánh. Tỷ trọng cao, không mùi vị. Thành phần: chủ yếu là ôxy chì PbO; còn có một phần chì chưa bị ôxy hoá và một số tạp chất khác như Al, Sb, Fe, Cu và Mg.

Dược liệu có vị mặn, cay, tính bình, có độc; có tác dụng tiêu thũng sát khuẩn, thu liễm phòng vít mủ, trừ đờm trấn kinh. Người ta dùng mật đà tăng để trị bệnh trĩ lở, thũng độc, mụn loét, thấp sang, các loại vết thương, lỵ lâu ngày, kinh giản.

Liều uống trong hằng ngày là 0,5 - 1g. Dùng ngoài chế cao dán nhọt.

Trong một số đơn thuốc cổ phương có sử dụng duyên đơn, duyên phấn hay mật đà tăng để chữa bệnh lở loét miệng dưới dạng bôi, làm cao dán mụn nhọt hoặc uống (nhưng rất hạn chế với liều lượng nhỏ).

Do thiếu hiểu biết, một số người cho rằng các khoáng vật trên bôi vào miệng sẽ chữa khỏi bệnh tay - chân - miệng nên đã sử dụng, thậm chí “điếc không sợ súng” lại hoàn viên để uống.

Ngày nay không loại trừ người ta đã sử dụng oxyt chì nhân tạo bằng cách ôxy hoá chì, nên hàm lượng chì rất cao vì vậy đã dẫn đến ngộ độc, thậm chí tử vong.

Hiện nay, duyên đơn, duyên phấn và mật đà tăng (những dược liệu có chứa chì) có thể tìm mua với số lượng không hạn chế tại các cửa hàng thuốc Đông y. Vì vậy các cơ quan chức năng phải kiểm soát và có biện pháp quản lý để tránh xảy ra những đáng tiếc đau lòng như vừa qua.   

Theo SKDS