Thứ Tư,
ngày 23/01/2025
Khách đã ghé thăm: 20737
Hiện có  1 khách online.

Cây lá lốt

Lương y Nguyễn văn Biên - Biên soạn và giới thiệu

Chúng tôi xin giới thiệu đến bà con một cây rau gia vị quen thuộc đồng thời là một cây thuốc quý chữa bịnh rất tốt. Đó là cây lá Lốt.

Ở Vùng nam Trung Bộ nước ta khi gió bấc về, báo hiệu mùa đông đến, lạnh lẽo, người dân quê có kinh nghiệm ăn những thức ăn cay, ấm, những thức uống cũng ấm ấm, cay cay. Ngoài gừng, tiêu… làm gia vị chính còn có kinh giới, tía tô, lá lốt…. Đặc biệt lá lốt là món ăn và gia vị thông dụng trong mùa Đông để phòng bệnh cảm hàn, đau đầu đông, đau khớp, nhức xương….

Cây lá lốt tên khoa học Piper lolot C.DC. thuộc họ hồ tiêu (Piperaceae), là loại cây mềm mọc hoang ở nơi ẩm thấp trong rừng núi, và cũng được trồng ở nhiều nơi lấy lá làm gia vị và làm thuốc, lá hái quanh năm, có thể dùng thân, hoa, hay rễ.

Lá lốt dùng chế biến món nào cũng ngon: luộc chấm với nước mắm tỏi, gừng, xắt sợi như cọng chỉ, nặn chanh vào để ăn sống, xào với thịt bò, thịt heo, các loại hải sản, nấu canh với các loại nhuyễn thể như: sò ngao, ốc, hến….bát canh sẽ thơm ngon hơn. Nấu canh với cá là món ăn vừa ngon thơm vừa nên thuốc giúp cho người già ăn được nhiều cơm lại chống đỡ bệnh tật.

Trong lá lốt có tinh dầu, nên thoạt đầu nếu không quen, mùi khó chịu, khi nấu chín có mùi thơm dịu. Nấu canh lá lốt: sau khi rửa sạch lá cắt nhỏ, cho vào xoong cùng với nước, nấu sôi, cho cá hoặc thịt, nấu như nấu canh bình thường giống các loại rau khác, cho thêm ít gừng tươi giã dập. Nhắc xuống, không cho hành ngò, mà cho lá é quế hoặc lá ngãi cứu xắt nhỏ

Người ăn chay, ăn kiêng: lá lốt nấu canh với trái mít non cung là một món ăn thơm ngon và trị bịnh. Canh lá lốt rất thích hợp cho mùa đông, sau đợt mưa kéo dài, làm cơ thể nặng nề, ớn lạnh, biếng nhác hoạt động, đau nhức gân xương, ray rứt bực bội. Thường thì một người ăn từ 50g-100g lá mỗi ngày.

Bà con có thể dùng lá lốt phối hợp với vài vị thuốc Nam dùng trị bịnh như sau:

Bài 1
- Lá lốt: 20g
- Thiên niên kiện: 12g
- Gai tầm soạng : 16g.
Tất cả phơi héo trong râm (phơi âm can) sắc với 400ml nước còn 130ml chia ra 2 -3 lần uống trong ngày. Uống liên tục từ 7 đến 10 ngày để trị bịnh ĐAU NHỨC XƯƠNG KHỚP, do phong hàn thấp sinh ra

Bài 2
- Lá lốt: 16g
- Vòi voi : 16g
- Bưởi bung : 16g
- Cỏ xước : 16g
Tất cả sao sơ qua hơi vàng đổ vào 600 ml nước, sắc còn 200 ml chia làm 3 lần uống trong ngày. Để trị bịnh đau nhức xương khớp.

Bài 3
DÙNG CHỮA BỊNH PHỤ KHOA: ( Các viêm nhiễm ở vùng âm đạo, ngứa ra khí hư):
- Lá lốt: 50g
- Nghệ : 40g
- Phèn chua : 20g
Đổ nước ngập mặt thuốc 2 đốt lóng tay, đun sôi, bớt để nhỏ lửa sôi nhẹ từ 10- 15 phút, chiết lấy 1 bát lớn, gạn lấy nước trong dùng rẵ âm đạo. Phần còn lại tiếp tục đun sôi dùng để xông hơi vào âm đạo, có thể xông nhiều lần, mỗi ngày một lần.

Bài 4
Điều trị tay chân hay đổ mồ hôi, nhất là các em học sinh, làm cản trở việc học tập, dùng:
- Lá lốt tươi 30g
- Lá ngãi cứu tươi 20g
Giã nát, cho thêm ít muối, nấu vừa sôi, ngâm chân tay đến khi nước nguội , trước khi đi ngủ.

Ngoài ra đồng bào Mường còn dùng lá lốt để trị bịnh TỔ ĐĨA như sau: Lấy 1 nắm to lá lốt ( khoảng 50g) rửa sạch , giã nát, vắt lấy một bát nước đặc, uống làm 1 lần. Còn lại bã cho vào đun với 3 bát nước, đun sôi vài lần rồi chắt ra để riêng, khi nước nguội dần còn âm ấm thì lấy nước rửa sạch tổ đĩa. Lấy bông sạch lau khô rồi đắp bã đó lên băng lại. Ngày làm 1-2 lần, liên tục 7-8 ngày một đợt điều trị.

Một số kinh nghiệm mong bà con chú ý trồng để có thể vừa làm rau ăn vừa bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.