Zona là tên bệnh theo y học hiện đại, tên gọi dân gian là giời leo, là một bệnh cấp tính thuộc hệ thần kinh trung ương. Bệnh do virut Vancella Zoster - một loại virut ái tính thần kinh nhiễm vào hạch của các rễ saugây đau dây thần kinh rồi phát thành ban, nổi nốt phỏng nước cấp tính, kèm theo triệu chứng đau rát như bỏng lửa. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ, thường gặp ở người trưởng thành và chỉ mắc một lần. Thời gian ủ bệnh từ 5-7 ngày. Người bệnh có triệu chứng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu. Giai đoạn khởi phát thường sốt, rét run, nhức đầu khó chịu, rối loạn tiêu hóa đau như bị phóng hỏa, đau dây thần kinh. Giai đoạn toàn phát, phát ban nổi nốt phỏng khu vực vùng rễ thần kinh rồi mụn nước xuất hiện trên nền da màu hồng thành từng chùm kích thước thay đổi đường kính từ vài ba cm đến 10cm. Sau vài giờ thì nổi nốt phỏng trong và đến ngày thứ ba thì đục và khô lại. Có khi những mụn nước gom lại thành bỏng nước, sau đó hóa mủ, vỡ ra, đóng vảy. Các nơi bị phát ban nổi nốt phỏng đỏ, đau dữ dội, kéo dài, nhất là ở người lớn tuổi. Cảm giác và vị trí đau nhức tùy theo nơi nhánh thần kinh bị tổn thương và chỉ ở một bên cơ thể, rất hiếm khi bệnh xuất hiện ở hai bên.
Bệnh tiến triển khoảng 2-3 tuần tùy theo sức đề kháng của người bệnh và vị trí tổn thương, càng trẻ diễn tiến càng nhanh, nhẹ và tự khỏi. Bệnh nặng có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như bị mù nếu tổn thương dây thần kinh thị giác, liệt mặt, mất vị giác khi tổn thương dây thần kinh mặt... Vết thương tổn sẽ để lại sẹo tròn bạc màu, sắp xếp từng đám và dần dần màu da sẽ trở lại bình thường. Người bệnh lớn tuổi nhất là người già thường sau khi hết các triệu chứng vẫn cảm thấy đau nhức rất nhiều ở các sẹo của bệnh, tạo nên chứng sau zona.
Đông y coi zona thuộc chứng đơn hoặc chứng “sang” và cho rằng bệnh là do can, đởm có phong nhiệt hoặc có thấp nhiệt ở bên trong xuất ra ngoài da gây nên. Một nguyên nhân nữa là do độc tà ứ trệ, kinh mạch không thông khiến cho khí trệ huyết ngưng gây đau như kim châm liên tục. Để điều trị bệnh này Đông y dùng pháp thanh nhiệt, giải độc.
Một số bài thuốc thường dùng theo thể bệnh:
Thể thấp nhiệt: Vùng tổn thương màu đỏ, mụn nước tụ lại, chất nước trong vỡ ra hoặc lở loét đau nhức ấn vào đầy trướng, mạch nhu sác hoặc hoạt sác, lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng bệu hoặc vàng bệu, phải thanh hóa thấp nhiệt, lương huyết, giải độc.
Dùng bài Ý dĩ nhân, xích đậu thang gia giảm: Ý dĩ nhân 15g, đậu đỏ 15g, phục linh bì 12g, kim ngân hoa 12g, địa phu tử 12g, sinh địa 12g, xa tiền tử 10g, xa tiền thảo 10g, xích thược 10g, mã xỉ hiện (rau sam) 10g, cam thảo 6g, hoắc hương 9g, bội lan 9g. Sắc uống ngày 1 thang.
Do nhiệt độc: Vùng tổn thương màu đỏ, có thể có nốt ban có nước mọc gom lại một chỗ hoặc giống như dải khăn, người bệnh cảm thấy nóng rát, đêm không ngủ được, họng khô, miệng đắng, nước tiểu vàng, táo bón, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc vàng khô, mạch huyền, sác. Phép trị: thanh nhiệt tả hỏa, giải độc, giảm đau. Dùng bài Đại thanh liên kiều thang gia giảm: đại thanh diệp 9g, huyền sâm 9g, quán chúng 9g, hoàng cầm 9g, liên kiều 12g, kim ngân hoa 12g, sinh địa 12g, mã xỉ hiện 15g, đơn bì sao 6g, xích thược 6g, lục đậu 15-30g. Sắc uống ngày 1 thang.
Do khí trệ huyết ngưng: bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, sau khi vết thương đã lành, còn rất đau, đêm không ngủ được, ngũ tâm phiền nhiệt, lưỡi đỏ hoặc đỏ tối, rêu lưỡi ít hoặc rêu trắng nhạt, mạch tế, sáp. Phép trị thư can, lý khí thông lạc giảm đau. Dùng bài Kim linh tử tán gia giảm: Kim linh tử 9g, uất kim 9g, tử thảo căn 9g, huyền hồ sách 6-9g, sài hồ (tẩm giấm) 6g, thanh bì 6g, bạch thược sao 12g, đương quy 12g, ty qua lạc (xơ mướp) 10g. Sắc uống ngày một thang.
Thể can kinh uất nhiệt: có nốt ban đỏ, có nước, mặt căng bóng, đau như lửa đốt, họng khô miệng khát, người bứt rứt khó chịu, dễ nổi nóng, ăn không ngon, táo bón, nước tiểu vàng đậm, rêu lưỡi vàng, mạch huyền, hoạt, sác. Điều trị phải thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc, giảm đau. Dùng bài Long đởm tả can thang gia giảm: Long đởm thảo 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 16g, trạch tả 12g, mộc thông 12g, đương quy 12g, sinh địa 16g, cam thảo 16g, huyền sâm 16g, mạch môn 16g. Sắc uống ngày một thang.
Nếu bệnh ở vùng đầu mặt thêm cúc hoa 12g, ở vai và tay gia khương hoạt 12g, khương hoàng 10g, ở chi dưới thêm ngưu tất 12g, độc hoạt 12g. Trường hợp huyết nhiệt thêm bạch mao căn 12g, đan bì 12g. Nếu bội nhiễm, nhiệt độc thịnh thêm kim ngân hoa 12g, bồ công anh 12g, thạch cao 10g. Táo bón thêm đại hoàng 8g. Nếu đau nhiều thêm huyền hồ 12g, xuyên luyện tử 10g. Người già, sức yếu gia phòng đảng sâm 16g, hoàng kỳ 12g.
Thể tỳ hư, thấp trệ: Sắc ban chẩn không tươi, mụn nước dày có thủy bào lớn, loét chảy nước thì đau nhẹ hơn, miệng khô khát, chán ăn, bụng đầy, phân lỏng, lưỡi bệu, sắc nhợt, rêu trắng dầy hoặc nhầy, mạch trầm, hoạt. Dùng Bài trừ thấp vị linh lang để kiện tỳ, trừ thấp, giải độc: Dùng thương truật 16g, hậu phác 16g, trần bì 12g, bạch truật 16g, bạch linh 16g, trạch tả 12g, trư linh 12g, cam thảo 6g, nhục quế 4g, sinh khương 4g, khương hoạt 12g, đại táo 10g, kim ngân hoa 12g, bồ công anh 12g, huyền hồ 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể khí trệ huyết ứ: Nốt phỏng sắc tối, đau liên tục, môi thâm, móng tay xanh, chân tay lạnh, mệt mỏi, da đã lành mà vẫn đau. Lưỡi có điểm ứ huyết hoặc tím. Phép trị: hoạt huyết, khử ứ, hành khí, giảm đau, giải độc. Dùng bài Huyết phủ trục ứ thang: Đương quy 18g, sinh địa 18g, đào nhân 16g, hồng hoa 10g, chỉ xác 12g, xích thược 12g, sài hồ 6g, cam thảo 6g, cát cánh 8g, xuyên khung 6g, ngưu tất 18g. Trường hợp đau nhiều thêm huyền hồ 10g, nhũ hương 10g, một dược 10g, đan sâm 12g, táo bón thêm đại hoàng 10g. Người già sức yếu thêm đảng sâm 12g, hoàng kỳ 12g. Bệnh ở vùng đầu, mặt thêm ngưu bàng tử 10g, dã cúc hoa 12g, thạch quyết minh 10g, ở vùng sườn ngực thêm qua lâu nhân 12g.