Chùm gửi cây tre là phương thuốc bí truyền của người Pu Péo ở Hà Giang. Khách quý đến bản Tiến Xuân,
huyện Bắc Mê (Hà Giang) sẽ được mời uống nước chùm gửi cây tre nướng trên bếp than - Ảnh: Nguyễn Minh Sơn
Nhà báo Nguyễn Minh Sơn (Báo Sài Gòn tiếp thị) kể tôi nghe, người Pu Péo ở bản Tiến Xuân, huyện Bắc Mê, Hà Giang có món độc đáo chỉ dành đãi khách quý đến thăm. Đó là nước tầm gửi cây tre nướng trên bếp than, anh Sơn nói đây là phương thuốc bí truyền của họ, uống vào rất tốt cho sức khỏe.
Ông Ưng Viên bảo đây chính là “Quảng lịch ký sinh”, một kỳ thảo trong thiên nhiên. Tầm gửi trên cây dâu tằm, gọi là “Tang ký sinh”, cũng quý, nhưng đứng thứ nhì. Tầm gửi bám ở đoạn từ 2/3 cây tre trở lên là tốt nhất, bám ở dưới không tốt bằng. “Quảng lịch ký sinh” có tác dụng “điều khí thanh phế, thiện trị hàn tà, đả độc dũ phong”, rất tốt cho phổi, chống được tà khí làm lạnh phổi và giải độc. Nó còn có tác dụng bình quân năng lượng trong cơ thể, tốt cho thận và mạch máu. Chính vì vậy nó còn là vị thuốc ngừa và trị được chứng thượng mã phong. “Quảng lịch ký sinh” có thể sắc hoặc nướng lấy nước uống, làm gỏi ăn thì rất ngon; uống hoặc ăn nó sẽ không bị thượng mã phong, tức là về mặt đề phòng chứng thượng mã phong, dùng “Quảng lịch ký sinh” là hữu hiệu.
Nhưng trị thượng mã phong thì rất khó, vì nó là chứng đứt mạch máu não gây tử vong cấp, nguy hiểm hơn nhiều so với các chứng đột quỵ hoặc đứt mạch máu não thông thường. Để trị bệnh này, phải kết hợp “Quảng lịch ký sinh” với “Trúc thượng ngự”. Hai thứ kết hợp sắc lấy nước trị bệnh.
“Trúc thượng ngự” là đọt của cây tre (khác với “trúc tâm” là đọt của lá tre). Đó là đoạn 1/3 của cây tre tính từ trên xuống. Ngày xưa các bà vợ có ông chồng ham mê tửu dục thường lấy vỏ “trúc thượng ngự” vót thành kim giắt lên tóc, phòng khi chồng uống rượu quá nhiều, thận bị lạnh, nhưng không kìm được chăn gối, dễ đứt mạch máu gây thượng mã phong. Khi ấy, lấy trâm châm liền vào huyệt nhân trung, vào xương cùng (xương cụt) và huyệt đồng tử liêu nằm ở hốc mắt (để không cho đồng tử nở ra). Sau đó lấy nước thuốc nói ở trên nhỏ vào mũi và miệng, xác suất cứu được mạng khoảng 70%.
Hai thứ này còn chữa được bệnh “thương phòng” (còn gọi là “phòng thử”). Đàn ông khi ra mưa ra gió bị nhiễm cảm, những lúc ấy hệ đề kháng của cơ thể tăng lên để dồn sức chống đỡ. Do hệ đề kháng tăng lên nên tạo cảm giác ham muốn tình dục. Trường hợp đó mà chăn gối thì 70% đàn ông sẽ ngộ chứng thương phòng. Khác với thượng mã phong gây tử vong cấp, thương phòng gây tử vong chậm với triệu chứng: người bắt đầu yếu đi chỉ sau 2-3 tiếng chăn gối, tiếng nói yếu, môi xanh, kế tiếp mặt xanh như tàu lá, xuất hiện “tán đại nguyên dương” (nguyên khí của cơ thể đồng loạt phát tán) làm khắp người lạnh buốt, nhưng mồ hôi thì ra dầm dề kể cả trong mùa đông. Sớm thì 2 ngày, chậm thì 11 ngày sẽ tử vong. Bệnh này dùng “Quảng lịch ký sinh”, “trúc thượng ngự” phối hợp với một số vị thuốc khác chữa rất hữu hiệu.
Dường như những gì “bám” vào cây tre đều quý, trong đó có kiến và mối. “Trúc chương - lang tử” là trứng của một loài kiến và mối sống trong thân cây tre khô. Dùng kết hợp với kiến cao cẳng (loài kiến mang ký sinh tạo trầm hương tự nhiên), bào chế thành thuốc trị các chứng tai biến méo miệng, ăn nuốt nhễu nhão khó khăn, đớ lưỡi không nói rõ tiếng, sặc khi uống nước, hốt khóc hốt cười và thường bí tiểu tiện...
Một loài rắn nhỏ sống trong ruột tre hư, ban đêm thường nhảy lách tách trong bụi tre để kiếm mồi, rắn đó gọi là “Trúc xà” (còn gọi là “Trúc điểu” hoặc “Trúc hoa xà”). “Trúc xà” cực độc nhưng cực quý, dùng để bào chế thuốc trị chứng có nguy cơ gây mù mắt, làm lành vết thương, trị chứng hư phổi, nhiễm trùng thận do sởi, đậu mùa...
Và như mọi người đều biết, tre được người dân Việt Nam từ xưa tới nay dùng làm vật kiến trúc, làm công cụ lao động và dụng cụ trong nhà, ngay cả ở đây tre cũng chứng tỏ tính ưu việt so với nhiều loại vật liệu hiện đại.
Điều kỳ lạ là có thứ vật liệu từ tre làm thuốc cũng được mà làm vật liệu xây dựng cũng được, chẳng hạn như tre ngâm bùn. Tre ngâm bùn lâu ngày gọi là “trúc bồi” (khác với “trúc nịch” là gốc tre già ngâm bùn), có tác dụng “kiện tỳ trường vị” dùng để bào chế thuốc trị chứng ăn khó tiêu, bụng luôn phát ách. Trong xây dựng, nó chính là vật liệu dùng để làm nhà, không bị mối mọt và rất lâu hư hỏng, bền chắc hơn sắt thép. Dùng cọc tre đóng dưới móng nhà nơi có nước phía dưới là sự độc đáo của kỹ thuật xây dựng Việt Nam, vì những cái cọc đó gần như là vĩnh cửu.
Trong các công trình kiến trúc cổ, trong đó có các tháp Chăm, ngày xưa không có vữa liên kết như ngày nay nhưng kết cấu nền móng và tường vô cùng bền chắc, đặc biệt là chống được sét và không bị rêu phong. Bởi tiền nhân đã dùng “Trúc hồ”, còn gọi là “Trúc ngọc cương”, là chất dịch từ cây tre ngâm giã nhuyễn kết hợp với dịch nước ô dước, bồ lời, vôi sữa, mật mía... Thứ vật liệu xây dựng đó khiến các nhà nghiên cứu ngày nay phải kinh ngạc.
Còn rất nhiều, rất nhiều thứ vô giá khác từ cây tre mà trong phạm vi một bài báo chúng tôi chỉ giới thiệu một cách khái quát và sơ sài.
Lâu nay chúng ta quá coi thường cây tre trong khi tre là nguồn tài nguyên quý như châu báu. Mấy chục năm qua, các lũy tre, các vườn tre ở miền Trung dần dần mất đi, không mấy ai có ý định khôi phục. Sự đối xử phũ phàng đối với cây tre gần như là một sự phản bội. Nhưng rất may mắn là khác với trầm hương, cây tre chưa đến mức đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Theo ông Ưng Viên, chúng ta hoàn toàn có thể khôi phục và phát triển tre của đất nước, ở cả nông thôn và thành thị.
Ở thành thị, trong phạm vi gia đình, nhà nào có đất nên trồng một bụi tre mỡ, ai không có đất cũng có thể trồng một bụi tre gai trong chậu kiểng. Cần lưu ý, tre mỡ là loại tre to có gai. Còn tre gai, không giống như tên gọi, nó là loại tre thân nhỏ nhưng... không có gai. Ở nơi công cộng, cứ cách 50 hay 100m nên trồng một khóm tre. Nơi nào rộng lớn, nên tạo một quần thể tre cho thành phố.
Ở nông thôn, cần khôi phục lại các lũy tre trong phạm vi làng xã, còn trong vườn của mỗi gia đình cần trồng nhiều bụi tre, kết hợp với chuối, mít, ổi và các loại cây ăn trái khác. Như đã nói, rễ tre không hề làm xấu đất, vấn đề là biết cách trồng xen sao cho tre và các thứ cây khác cây nào cũng có phần đất dinh dưỡng.