Thứ Tư,
ngày 23/01/2025
Khách đã ghé thăm: 20654
Hiện có  1 khách online.

THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM – THOÁI HÓA –GAI CỘT SỐNG - THẦN KINH TỌA

TS Wallach

THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM – THOÁI HÓA CỘT SỐNG –GAI CỘT SỐNG - ĐAU THẦN KINH TỌA

Bệnh thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, gai cột sống, đau thần kinh tọa là những tên gọi khác nhau của bệnh thoái hóa cột sống. Rất nhiều bệnh nhân thấy hoảng sợ vì không biết tại sao bản thân lại mắc nhiều bệnh đến thế, không phân biệt nổi sự khác nhau giữa các tên gọi của căn bệnh này. Chúng ta đi tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách phân biệt từng tên gọi của bệnh lý: Bệnh thoát vị đĩa đệm - thoái hóa cột sống - gai cột sống - đau thần kinh tọa.

* Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân bị đau thần kinh tọa, thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm cổ và lưng:

• Đau thần kinh tọa: Bệnh nhân thường có biểu hiện đau lan dần từ thắt lưng kéo xuống mông, tê bì xuống chân, đau mặt sau bụng chân làm tê yếu chân, có những bệnh nhân bị lâu năm có thê gây teo chân nếu không được điều trị kịp thời.

• Bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm vùng cổ thường có biểu hiện đau nhức ở sau gáy lan xuống bả vai, cánh tay. Những bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm vùng cổ lâu năm còn có biểu hiện đau ở khớp ngón tay, đau buốt kéo lên đỉnh đầu, đau nửa đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ thậm chí chèn ép hệ thống thần kinh gây tức hốc mắt. Trường hợp bệnh nhân để lâu có thể gây nên chứng teo cơ tay…

• Đặc biệt, do thoái hóa đốt sống cổ nên bị cả thiểu năng tuần hoàn não. Đầu lúc nào cùng nặng nề, u uất, nhiều lúc còn chóng mặt nữa. - Khám chỉ thấy các cử động ở cổ bị hạn chế (nặng); có thể cảm giác cứng gáy, có điểm đau khi ấn vào các gai xương và các mỏm ngang của cột sống cổ, chụp X-quang cột sống cổ thấy mất đường cong sinh lý, hẹp đĩa liên đốt, biến dạng ở thân đốt, có các gai xương. - Với chứng thoái hóa đốt sống cổ ở cao (đoạn C1- C2 - C4), người bệnh còn có triệu chứng nấc, ngáp, chóng mặt Thoái hóa đốt sống cổ gây tổn thương vào lỗ tiếp hợp, có thể gây rối loạn tuần hoàn não.

• Bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống lưng, thoát vị đĩa đệm vùng lưng có triệu chứng đau vùng lưng dưới, đau lan buốt xuống mông và kéo xuống chi chân, biểu hiện đau đầu nhất là về đêm và các biểu hiện giống như bệnh nhân bị đau thần kinh tọa…

* Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh đau thần kinh tọa, thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống cổ và lưng:

Hệ thống cột sống là hệ thống trục có chức năng nâng đỡ cơ thể, giúp cơ thể có thể thực hiện những động tác như cúi, ngửa, vặn mình, hệ thống cột sống phải cúi cong được do đó nó có cấu tạo là các đốt xương xếp chống lền nhau, ngăn cách giữa các đốt xương là các đĩa đệm. Đĩa đệm có hình như cái đĩa, bao bọc bên ngoài là bao xơ dày và chắc, lòng trong của đĩa đệm là chất nhầy trông gần giống như lòng trắng trứng được gọi là nhân nhầy. Do tuổi tác hoặc do ăn uống thiếu dưỡng chất, chế độ sinh hoạt vận động không hợp lý sẽ gây nên tình trạng thoái hóa cột sống. Thoái hóa tác động tới từng vị trị của cột sống, khi thoái hóa tác động tới đĩa đệm làm cho bao xơ của đĩa đệm trở nên dòn hơn chứ không còn dai, chắc như trước đây. Dưới trọng lực đè nèn của cơ thể làm cho các bao xơ rách, mở đường cho nhân nhầy bên trong thoát ra gây nên tình trạng thoát vị đĩa đệm. Thoái hóa tác động tới đĩa đệm vùng cổ thì gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm vùng cổ còn thoái hóa tác động tới các đĩa đệm vùng lưng thì gây nên bệnh thoát vị đĩa đệm vùng lưng. Khi các nhân nhầy bị thoát ra chèn ép vào hệ thống các rễ thần kinh gây nên các triệu chứng đau lưng hay đau cổ… tùy thuộc vào vị trí bị chèn ép.

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Khi bạn bị đau từ thắt lưng lan xuống mông, xuống chân thì thường là bị đau thần kinh tọa (ÐTKT). Dây thần kinh tọa (còn gọi là dây thần kinh ngồi) là dây thần kinh to nhất của cơ thể, nó được các rễ thần kinh của vùng thắt lưng hợp thành và sau đó chạy dọc theo mặt sau mông, đùi xuống chân. ÐTKT thường do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra, thường kèm theo tê, yếu chân hoặc teo cơ... Tuy nhiên, còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như hẹp ống sống, viêm khớp cột sống, viêm đĩa đệm, viêm thần kinh tọa, u thần kinh tọa...

Thoát vị đĩa đệm chèn ép vào rễ thần kinh

Cột sống là một trục chống đỡ của cơ thể, giúp ta có thể cúi, ngửa hoặc vặn mình, cột sống cần phải uốn cong được, chính vì vậy mà nó không phải một khúc xương dài như ở tay chân mà là một cột được tạo ra bởi các đốt sống xếp chồng lên nhau. Giữa các đốt sống là đĩa đệm. Ðĩa đệm có hình cái đĩa, bên ngoài là một bao xơ dày và chắc, trong ruột là chất nhầy, gần giống như tròng trắng trứng gọi là nhân nhầy. Khi bao xơ bị rách, nhân nhầy bên trong sẽ thoát ra ngoài, tạo thành một khối gọi là khối thoát vị. Nếu khối thoát vị đè vào rễ thần kinh sẽ gây ra các hiện tượng như đau, tê, yếu liệt... Khi thoát vị ở vùng thắt lưng, các rễ tạo thành thần kinh tọa bị chèn ép và gây ra ÐTKT. Còn khi thoát vị nằm ở vùng cổ thì có thể gây đau cổ, vai, hoặc gây ra đau, tê, yếu liệt tay chân. Nếu thoát vị ở vùng ngực, chứng đau thần kinh liên sườn là triệu chứng có thể gặp. Các đĩa đệm ở vùng cổ và vùng thắt lưng hay bị thoát vị nhất.

Thế nào là "gai" cột sống?

Khi khối thoát vị lồi ra, sẽ kéo theo màng xương cạnh nó và lâu ngày xương sẽ mọc ra theo, tạo thành những vành xương mà trên phim X-quang ta nhìn thấy như những cái gai nên gọi là "gai" cột sống. Nếu khối thoát vị đĩa đệm gây đau tê hay yếu liệt, khi đi khám bệnh, các bác sĩ sẽ giải quyết nó trước khi "gai" hình thành. Các khối thoát vị không gây triệu chứng gì (thường thì do chúng không gây chèn ép vào thần kinh) nên mới có đủ thời gian để tạo ra những cái "gai". Vì vậy bạn chớ vội lo sợ khi biết mình có "gai" cột sống. Chỉ có rất ít những "gai" cần phải "nhổ" bỏ. Ngoài ra, mấu gai là tên gọi một bộ phận của cột sống, không liên quan gì đến loại "gai" mà chúng ta đang nói đến. Do vậy ta có thể mô hình hóa sơ đồ phát triển của bệnh lý như sau:

Thoái hóa đốt sống cổ hoặc lưng (Thoái hóa cột sống) → Thoát vị đĩa đệm cổ hoặc lưng → Gai cột sống vùng cổ và lưng

Tại sao các nhân nhầy lại có thể thoát ra ngoài bao xơ thành khối thoát vị?

Ðấy là do quá trình thoái hóa gây nên. Thoái hóa nói cho cùng là sự già đi của cơ thể con người. Ðây là một quá trình tự nhiên của cơ thể. Khi ta mới biết đi thì đĩa đệm đã bắt đầu thoái hóa, càng lớn tuổi quá trình thoái hóa diễn ra càng nhanh. Không chỉ riêng đĩa đệm mới bị thoái hóa mà nhiều bộ phận trong cơ thể cũng vậy. Bao xơ của đĩa đệm bị thoái hóa trở nên dòn chứ không còn dai, chắc nữa, và thế là nó bị nứt ra, mở đường cho nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài. Thoái hóa có vai trò quan trọng nhất trong việc gây ra các thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên những yếu tố khác như viêm khớp, làm việc nặng, chấn thương... cũng làm cho bao xơ yếu đi và nứt nẻ. Ngoài ra, thoái hóa còn có thể làm các bộ phận khác của cột sống trở nên sần sùi, phình to ra và chèn vào các rễ thần kinh, giống như các khối thoát vị của đĩa đệm, hoặc chèn vào những bộ phận khác của cột sống gây đau lưng, đau cổ.

Như vậy, thoái hóa cột sống là yếu tố chính gây ra thoát vị đĩa đệm, từ đó sinh ra "gai" cột sống, ÐTKT. Thoái hóa cột sống còn có thể gây đau lưng, đau cổ hoặc ÐTKT mà không cần phải có thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, nó còn là nguyên nhân của một số bệnh khác, được gọi chung là bệnh lý thoái hóa của cột sống. Thoát vị đĩa đệm ở vùng thắt lưng là nguyên nhân chính gây ÐTKT. Còn nếu thoát vị đĩa đệm ở cổ thì bạn thường được chẩn đoán "hội chứng cổ - vai - tay" hoặc điều gì đó tương tự.

Chính vì thế khi chữa khỏi được bệnh thoát vị đĩa đệm thì bệnh gai cột sống sẽ không còn nữa.

Nhìn chung, mỗi tên gọi đều có ý nghĩa riêng của nó. Tuy nhiên hiện nay việc sử dụng những tên gọi này còn chưa thống nhất nên làm bối rối cho không ít người.? Hậu quả của thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm có thể để lại những hậu quả và những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Thứ nhất, bệnh nhân có thể bị tàn phế suốt đời do bị liệt trong trường hợp đĩa đệm thoát vị chèn ép tuỷ cổ. Khi bị chèn ép các dây thần kinh vùng thắt lưng cùng, bệnh nhân có thể bị chứng đại tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn. Ngoài ra bệnh nhân bị teo cơ các chi nhanh chóng, khiến sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mất khả năng lao động. Tất cả các biến chứng đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, chưa kể những tốn kém do chi phí điều trị.

Tóm lại, thoát vị đĩa đệm cột sống là một bệnh khá thường gặp, có thể để lại nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Do vậy khi bệnh nhân có các triệu chứng nói trên cần điều trị bệnh kịp thời.