Thứ Tư,
ngày 23/01/2025
Khách đã ghé thăm: 20726
Hiện có  1 khách online.

Ăn chay và đái tháo đường

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI (Bệnh viện Đà Nẵng)

Ăn chay và đái tháo đường

- Ăn chay có giúp điều trị bệnh đái tháo đường được không? Đây là thắc mắc của rất nhiều người. Dưới đây, ta thử phân tích về mặt khoa học.

Trước hết cần lưu ý ăn chay khác hẳn với ăn kiêng: ăn chay là ăn các thực phẩm gốc thực vật, còn ăn kiêng (fasting) là giảm ăn uống dưới mức nhu cầu, thậm chí nhịn ăn. Thức ăn chay hiện nay cũng linh hoạt, tạm chia làm bốn nhóm: chay tuyệt đối, hoàn toàn dùng thức ăn thực vật; chay có sữa; chay có sữa, trứng và chay linh hoạt hay chay tương đối, thỉnh thoảng có ăn thêm thịt, cá...

Theo nguyên lý dinh dưỡng học, bất kỳ khẩu phần ăn nào nếu đầy đủ cả bốn thành phần đạm, bột đường, béo và khoáng vitamin đều là một khẩu phần hợp lý. Do đó việc chuyển đổi từ một chế độ ăn bình thường sang chế độ ăn chay nói chung không gây xáo trộn nhiều. Hơn nữa thức ăn chay có một số ưu điểm hơn thức ăn động vật: ít chất béo có hại, nhiều axít béo có lợi, nhiều vitamin E, C, A... giúp cơ thể chống oxy hóa.

Đái tháo đường là căn bệnh rối loạn chuyển hóa chất bột đường với hậu quả là đường glucose trong máu tăng cao, đái tháo đường lại liên quan mật thiết đến bệnh thừa cân, béo phì và tăng huyết áp. Do đó có thể nói rằng ăn chay là chế độ ăn rất hợp lý, tuyệt vời cho người bệnh đái tháo đường, vì vừa dinh dưỡng vừa hỗ trợ điều trị như dạng thực phẩm chức năng.

Một công trình khoa học lớn, nghiêm túc năm 2006 ở Hoa Kỳ cho thấy đến 43% bệnh nhân đái tháo đường type 2 khi chuyển sang chế độ ăn chay tuyệt đối đều giảm lượng thuốc men điều trị và giảm cân. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy chế độ ăn chay thực vật nhờ có nhiều chất xơ, chất sợi cellulose, nhiều khoáng và vitamin... nên cũng có khả năng giảm các biến chứng của đái tháo đường, đặc biệt là các biến chứng tim mạch và thận.

Hai điều cần lưu ý khi ăn chay: một là thức ăn chay không phải là thuốc nên chắc chắn không thể dùng ăn chay để thay thuốc chữa bệnh. Hai là khi ăn chay, cơ thể có nguy cơ thiếu một số chất vi lượng cần thiết như vitamin B12 (có nguồn từ động vật), vitamin D và canxi (rất cần cho trẻ em đang lớn và người già, loãng xương), chất sắt và kẽm (các axit phytic, oxalic, tannic... trong thực vật sẽ cản hấp thu sắt).

Những nhược điểm này có thể khắc phục bằng cách dùng nhóm thực phẩm chay có trứng sữa, chay linh hoạt, chay bán phần hoặc bổ sung các vitamin và khoáng chất này.