Thứ Tư,
ngày 23/01/2025
Khách đã ghé thăm: 20693
Hiện có  1 khách online.

Mạn Đà La – Túy Tiên Đào – Dương Kim Hoa – Cà Dược – Cà Độc Dược

Sưu tầm Internet

Huyền Thoại Mạn Đà La

Mạn Đà La một dược thảo có chất độc, từ xưa chỉ chuyên dùng như một vị thuốc tê. Mãi cho đến khi huyền thoại bắt đầu có thêm tên mới là Túy Tiên Đào, công dụng thứ hai mới được đời biết đến. Nhưng mặc dầu tên Túy Tiên Đào được gọi, phần đông người dùng vẫn không biết tên này vì sao mà có.

Huyền thoại xảy ra đúng từ năm nào không thể tra cứu, nhưng phỏng đoán vào khoảng sau nhà Tống.

Một hôm Hoàng Đế lâm triều, các quan văn võ đều quì trước đền tung hô vạn tuế như thường lệ.

Đặc biệt hôm ấy có các Tân khoa vừa thi đỗ Trạng Nguyên.

Theo chế độ khoa cử ngày xưa, người đỗ Tiến sĩ cao nhất, gọi là Trạng Nguyên. Sau đời Nhà Tống, đổi thành ba Tiến Sĩ cao điểm nhất đều được chấm đậu Trạng Nguyên.

Hoàng đế trông thấy trong các vị tân khoa mặt mày thư sinh bình thường, có một vị mặc áo mão Trạng Nguyên khiêm nhường đứng lẫn vào hàng ngũ Cử nhân, Tiến sĩ đàng xa, trông rất khôi ngô tuấn tú nổi bật hẳn lên. Dáng dấp Trạng Nguyên cũng đặc biệt, thanh cảnh nho nhã, không giống người đàn ông thường. Nhìn Tân Trạng Nguyên như một con chim Phượng Hoàng đứng lẫn với bầy gà trống, nhà Vua vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, cố ý ban thưởng rất nhiều cho các Tân khoa. Sau khi tất cả mọi người ra về, Vua truyền đòi Trạng Nguyên đến gần hỏi thăm gia cảnh, nhất là muốn biết chàng trai anh tuấn này đã có vợ hay chưa. Trạng Nguyên nghe hỏi có vẻ ngượng ngập, sợ hãi, trả lời rất mơ hồ.

Mặc dầu Trạng Nguyên tỏ ý rằng cha mẹ đã định “đôi bạn” cho mình rồi, nhưng nhà Vua hình như không cần tìm hiểu, cứ phán truyền ý riêng của mình:

- Tốt lắm, quan Trạng chưa có vợ, ta có Công Chúa con một đang kén chồng. Công Chúa rất nết na xinh đẹp, ta chọn Trạng Nguyên làm Phò Mã, Trạng nghĩ thế nào? Có ý kiến gì khác không?

Câu hỏi thật là thừa, còn ai dám phản kháng lệnh Vua. Ai có ý kiến gì khác cũng đành chịu. Lời của Vua là “Thánh Chỉ”, ý của vua là mệnh lệnh. Thế là quan Trạng Tân khoa đành phải tuân lệnh Vua làm Phò mã.

Lễ cưới Công Chúa cố nhiên rất huy hoàng với tất cả những lễ nghi phức tạp quan trọng của một vị Công Chúa.

Nhưng riêng Trạng Nguyên dù được làm Phò mã, sẽ kế nghiệp Vua, được ở một chức vị cao nhất sau Vua, cũng không có vẻ vui mừng chút nào. Phò mã buồn, nhưng không ai để ý đến. Tất cả mọi người, từ Vua, Hoàng hậu bá quan, quí tộc cho đến dân chúng, những ai nhìn thấy Phò mã cũng đều công nhận là Phò mã đẹp vô cùng, đẹp hơn bất cứ một tuyệt sắc giai nhân nào trong nước... Tất cả đều chỉ chú ý có thế và bàn tán mãi không thôi.

Cung điện của Phò mã ở ngay cạnh cung Vua, và cũng rực rỡ huy hoàng không kém. Sau khi nhận lãnh tất cả quà tặng, chúc tụng, Công Chúa và Phò mã được đưa về Cung để nhập động phòng. Nhưng có lẽ vì suốt ngày phải làm đủ các nghi lễ phiền phức mệt quá, nên vừa vào đến phòng riêng là Phò mã lên giường ngủ say đến sáng.

Rồi không những đêm đầu, mà tất cả những đêm sau cũng không hề thay đổi.

Mỗi ngày, sáng Phò mã vào chầu Vua, chiều về đến phòng riêng là để nguyên cả quần áo giày vớ lên giường ngủ say.

Mấy tuần lễ trôi qua đều như thế, Công Chúa cảm thấy tủi thân vì tưởng Phò mã chê mình, nhưng ngượng không tiện hỏi. Công Chúa chỉ còn cách khóc với Mẹ.

Vua và Hoàng hậu biết chuyện “đôi trẻ” chưa hề hành “Chu công chi lễ” cũng rất khó xử, nhưng không biết làm thế nào.

Vua nghĩ mãi không có cách giải quyết bèn mời một vài vị quan thân cận vào cung để vấn kế. Các quan đến, một vị thay mặt tất cả hỏi vua: - Tâu Hoàng Đế có lệnh truyền gì?

- Các quan có biết là Phò mã trong người có bệnh gì mà không được “mạnh khỏe” không ?

Các quan nhìn nhau ngẩn ngơ, lắc đầu. Vua biết là ai cũng không dám nói gì, sợ lỡ sai lời có khi mất đầu, nên Vua làm ra vẻ hiền hòa hỏi lại: - Trong các vị có ai biết làm cách gì làm cho Phò mã lúc đi ngủ chịu cởi bỏ quần áo ra không?

Câu hỏi có vẻ rõ ràng hơn, nhưng vấn đề thật nghiêm trọng và tế nhị, nên vẫn không ai dám mở miệng phát biểu ý kiến về sự hiểu biết của mình.

Vua không biết làm thế nào, bèn chỉ định một vị lớn tuổi nhất, bắt buộc phải đề nghị một biện pháp để giải quyết tình hình bế tắc.

Vị quan già có vẻ sợ hãi, ấp úng hồi lâu mới dám trả lời:

- Tâu Hoàng Đế, thần biết một cách có thể làm cho Phò mã thoát y, nhưng thần không dám tâu.

Vua nghe có cách làm cho Phò mã thoát y mừng quá nên hứa là ông có ý kiến gì cứ nói, dù thành công hay không cũng không tội vạ gì hết. Được hứa hẹn vô tội, vị quan già mới dám đưa ra đề nghị:

- Xin Hoàng Đế ban một đại yến đãi Phò mã. Trong lúc ăn uống xin cho phép thần ngồi gần săn sóc Phò mã, thần sẽ có cách.

Vua nghe vui mừng như cất được một gánh nặng, vội truyền dọn tiệc ngay tối hôm ấy để mời vợ chồng Phò mã. Còn vị quan già cũng lo về nhà sửa soạn phương thuốc đặc biệt gia truyền chỉ một mình ông biết, để sẵn thuốc vào ly. Đến giờ dự tiệc, khi Phò mã đến và có lệnh Vua truyền thưởng rượu, ông bèn rót rượu vào ly đặc biệt có thuốc cho Phò mã uống.

Tiệc tan, Phò mã ra về, đầu nặng, mắt hoa vì rượu say và dược chất Mạn Đà La cũng phát sinh tác dụng. Phò mã thấy trong người nóng nảy, bực bội không chịu được, bèn cởi tung cả quần áo lên giường ngủ thiếp mê man.

Công Chúa chỉ đợi có thế, thấy Phò mã ngủ say rồi bèn chạy đến gần giường, vừa nhìn thấy “chồng” nàng giật mình kinh hoảng. Thì ra, Phò mã là một mỹ nhân tuyệt đẹp.

Đêm khuya, cung điện vắng lặng. Công Chúa nhìn người “chồng” đang nằm ngủ trên giường cũng là đàn bà như mình, cảm thấy bị lừa dối nên giận dữ vô cùng. Nhưng sau một hồi suy tư, nghĩ mình bị số kiếp ác nghiệt trêu đùa như thế, nhất định là sẽ bị đem làm trò cười cho cả triều đình. Công Chúa vừa buồn giận, vừa tủi nhục chỉ biết nằm khóc, oán hận thân phận hẩm hiu lạ đời.

Mãi đến gần sáng, chất thuốc đã tan hết. Phò mã giật mình tỉnh dậy, thấy chuyện bí mật gái giả trai của mình bị phát giác, lại nhìn thấy Công Chúa có vẻ sát khí đằng đằng thì hoảng hốt, không kịp mặc áo, vội quì xuống chân Công chúa xin tha tội.

Đàn bà giả làm đàn ông để làm Phò mã là chuyện chưa từng xảy ra, nếu Hoàng Đế biết được thì tội “khi quân“ là dối Vua sẽ bị chém đầu để làm gương cho dân chúng là cầm chắc.

Công Chúa giận sôi đến nỗi không nói ra lời, mãi hồi lâu mới hỏi được: - Cô là ai? Một người đàn bà yếu đuối tại sao lại dám to gan giả trai lừa dối Hoàng Đế. Trưa hôm nay, đầu ngươi chắc chắn là sẽ rơi xuống đất Phò mã nghe thế, hồn vía lên mây, run rẩy xin Công Chúa cho phép giãi bày tâm sự. Nhìn “Phò mã” đau khổ kêu xin thành thật, Công Chúa thấy tội nghiệp, bèn cho phép “chồng” được trình bày lý do giả trai, thi đậu Trạng Nguyên và cưới vợ.

Sự thực, Phò mã nguyên là một gái quê, cô và chồng chăm chỉ học hành đã hơn 10 năm, quyết định năm nay chồng cô sẽ đi thi. Lúc sắp lên đường thì chồng cô bỗng bị bệnh nặng, thầy lang bảo hơn một tháng mới lành. Đôi vợ chồng trẻ ấp ủ giấc mộng về kinh đô thi với những thí sinh giỏi nhất của cả nước để trổ tài. Bây giờ cơn bệnh bất ngờ làm vỡ mộng, vợ chồng chỉ còn khóc và trách số phận không may. Cô vợ trẻ vốn rất thông minh và hiền đức, nghĩ rằng nếu cứ cả ngày khóc lóc oán trời trách đất cũng không ích gì, mà còn làm chồng buồn khổ hơn, bệnh có thể nặng thêm. Trái lại, nếu cô giải quyết việc thi cử hộ chồng thì hay biết bao! Quyết định xong, cô bèn cải trang thành đàn ông, lấy tên chồng nộp đơn xin thi Tiến sĩ, đầy lòng tự tin.

Trong suốt thời gian qua, cô vẫn học chung với chồng, cùng bàn luận tất cả những thắc mắc trong vấn đề học vấn nên bao nhiêu văn chương thi phú, kinh nghĩa cổ kim, cô đều thông thạo, chẳng kém gì chồng. Cuộc thi kết quả, tên chồng cô xếp hạng đậu Tiến sĩ đệ nhất, được lãnh áo mão Trạng Nguyên và được vào chầu Vua. Cô định tâm sau khi vào Triều tạ ơn Vua xong, sẽ đem áo mão về nhà tặng chồng. Cô sẽ làm bà vợ ông Trạng cũng đủ thỏa mãn và hạnh phúc tuyệt vời rồi.

Không ngờ sau khi lãnh yến, Hoàng Đế yêu tài mạo nên gả Công Chúa. Lệnh Vua không dám cãi, bây giờ dù sống cũng như chết, tội cô bị chém đầu cũng đáng, chỉ thương chồng đau, mẹ già ở quê nhà không ai săn sóc.

Cô nói xong gục đầu khóc nức nở rồi nói tiếp:

- Phận làm tôi, một là không được trái lệnh Vua, hai là sợ bị phát giác gái giả trai, mạo danh chồng đi thi, nên đành cắn răng mặc số phận an bài, và cũng vì thế nên sau khi làm Phò mã, đêm nào cũng tỏ vẻ như mệt như say, cứ để nguyên cả áo quần vờ ngủ mê man. Công Chúa nghe cô Trạng Nguyên kể xong tình cảnh éo le, thái độ hoàn toàn đổi hẳn. Công Chúa không những hết giận, mà còn đâm ra kính phục, ái mộ tài năng của người đàn bà xinh đẹp và đáng thương. Công Chúa nói:

- Bắt đầu từ đây, chúng ta là chị em. Thôi, chị đừng khóc nữa, mặc quần áo Trạng Nguyên vào, em sẽ giúp chị xin Phụ Vương tha tội.

Hoàng Đế nghe xong câu chuyện, thấy tình cảnh éo le thương tâm cũng vui lòng theo lời xin của Công Chúa tha tội cho cô gái vừa hiền thục, vừa tài cao. Vua nhận cô làm con gái nuôi. Thế là tất cả thắc mắc, khổ sở, u uất bí mật đều được giải quyết một cách êm đẹp.

Mấy hôm sau, Nhà Vua hỏi vị quan đã có công giúp Vua phát giác bí mật:

- Khanh dùng thuốc gì quí giá mà có tác dụng thần diệu như thế?

Người thầy thuốc già không dám nói sự thật, vì thuở ấy, người ta chỉ mới biết đến Mạn Đà la là một vị thuốc rất độc, không thể trong uống được, chỉ có thể ngoài thoa mà thôi, phần nhiều để xoa bóp các chứng phong thấp, cước khí làm khớp xương đau nhức.

Thế nhưng ông quan già này có bản lãnh y dược cao thâm, nên biết được Man Đà La còn có thể dùng như một thứ ma túy. Ông sợ nói tên Mạn Đà La Vua không hiểu được sự linh diệu của thuốc mà nghi là ông muốn đầu độc phò mã, thì ông sẽ bị tội chết. Ông ngần ngại một lúc rồi trả lời:

- Tâu Hoàng Đế, đấy là một thứ thuốc rất quí hiếm trên đời. Tên nó là Túy Tiên Đào, xưa nay rất ít người dám dùng vì không biết dùng đúng phần lượng.

Vua tin rằng đó là một vị thuốc quý, lại có cái tên cũng sang trọng, đã được dùng làm cô Trạng Nguyên phò mã, con gái nuôi của Vua say chết mệt, thật là xứng người, xứng của. Vua rất vui lòng, nên ban thưởng cho ông quan già nhiều lễ vật.

Từ đó về sau, tên Mạn Đà La trong sách thuốc được kèm thêm một tên mới: “Túy Tiên Đào”, và cũng từ đó người ta gọi những người đẹp say mèm là Túy Tiên Hoa. Tên nghe thật kêu và thật lãng mạn.

Nhưng ở đồng quê , từ thuở xa xưa, người ta đã biết dùng lá cây ấy, cuốn lại hút như hút thuốc để dằn cơn hen suyễn. Và tên nó xưa nay chỉ đuợc gọi rất nôm na là Cây Cà Dược.

DƯỢC THẢO MAN ĐÀ LA (Datura Metel L.)

Tên khác: Mạn Đà La – Túy Tiên Đào – Dương Kim Hoa – Cà Dược – Cà Độc Dược

Mạn Đà La khí ấm, vị cay, có nhiều độc. Cây thường mọc ở đồng hoang, góc vườn, bên vệ đường hay trước sau nhà.

Hoa, quả, cành, hái vào mùa hạ, rửa sạch, phơi khô để dành dùng làm thuốc.

Mạn Đà La có ảnh hưởng đến Phế kinh, trừ thấp khí, khu phong, có chất ma túy làm ảnh hưởng đến thần kinh, làm tê dại ngoài da, chữa ho hen, đàm suyễn, nôn mửa, giảm đau chỗ sưng nhức. Người bị bệnh suyễn đang lên cơn, dùng hoa khô, thái nhỏ cuộn như điếu thuốc mỗi ngày hút 2-3 lần. Cũng có thể dùng lá cuốn lại như thuốc, hút 1-2 gr. mỗi ngày.

Té ngã bầm dập, rắn cắn, dùng hoa tươi tán nhuyễn đắp vào chỗ bị thương hay dùng cành khô tán bột trị té ngã.

Mạn Đà La cũng được dùng nấu nước ngâm chân trị bệnh tê.

Người bị trúng độc Mạn Đà La phát chậm với triệu chứng miệng khô, da đỏ ửng, không đổ mồ hôi, nôn mửa, chóng mặt, cuồng dại.

Muốn cấp cứu, phải rửa ruột, uống nhiều nước, tiêm thuốc an thần.

Dù sao, Mạn Đà La vẫn được coi như một vị thuốc độc nên Trung Y dùng rất thận trọng và không bao giờ cho toa để tránh tai nạn có thể xảy ra.

Linh Bảo